Sự nghiệp Vương_Kiệt_(nhà_Thanh)

Năm Càn Long thứ 26 (1761), Kiệt đỗ tiến sĩ; tham gia kỳ điện thí, bài của ông được giám khảo xếp thứ 3 khi dâng lên Hoàng đế. Càn Long Đế phát hiện nét chữ của Kiệt rất quen thuộc; thì ra năm xưa ông từng viết thay tấu sớ cho Doãn Kế Thiện, được Hoàng đế khen ngợi. Sau khi dò hỏi về nhân phẩm của Kiệt, Càn Long Đế lập tức cất nhắc ông lên đỗ đầu. Vào lúc được triệu kiến, Kiệt tỏ ra ổn trọng, đoan trang, khiến đế càng thêm hài lòng. Bấy giờ nhà Thanh đã chiếm được Trung Nguyên hơn trăm năm, mà vẫn chưa có trạng nguyên người Thiểm Tây, vì vậy Càn Long Đế làm ngự chế thi để kỷ niệm sự kiện này. Ít lâu sau Kiệt được làm Trực Nam thư phong, thường coi việc xét duyệt văn chương; trải qua 5 lần thăng chức, làm đến Nội các học sĩ.[1]

Năm thứ 39 (1774), Kiệt được thụ chức Hình bộ thị lang, rồi được điều sang bộ Lại, tiếp đó được cất nhắc làm Tả đô ngự sử. Năm thứ 48 (1783), Kiệt xin nghỉ vì tang mẹ, lập tức được cất nhắc gia hàm Binh bộ thượng thư. Xa giá nam tuần, Kiệt đến hành tại tạ ơn, Càn Long Đế nói: “ Ngươi đến rất hay. Vua tôi ly biệt đã lâu, nên biết trẫm rất nhớ ngươi. Nhưng ngươi là nhà Nho, trẫm không muốn cưỡng ép ngươi, cứ trọn tang rồi quay lại cũng được.” Mãn tang, Kiệt được về triều. Năm thứ 51 (1786), Kiệt nhận mệnh làm Quân cơ đại thần, Thượng thư phòng Tổng sư phó. Năm sau (1787), Kiệt được bái làm Đông các đại học sĩ, quản lý bộ Lễ. Sau khi lần lượt bình định Đài Loan, Khuếch Nhĩ Khách, Càn Long Đế đều vẽ tranh đại thần để treo ở gác Tử Quang, Kiệt được góp mặt cả hai lần, còn được gia hàm Thái tử thái bảo.[1]

Kiệt ở Quân cơ xứ hơn 10 năm, làm việc có được mất, nhưng chưa từng nói trái lòng mình. Bấy giờ thế lực của Hòa Thân đang thịnh, công việc phần nhiều do ông ta quyết định, đồng liêu nín nhịn không nói, nhưng Kiệt cho rằng không thể như vậy, ra sức tranh cãi. Càn Long Đế biết rất rõ tình trạng của hai người, nên Hòa Thân căm ghét Kiệt, nhưng không dám tìm cớ đuổi ông đi. Mỗi khi bàn bạc triều chánh xong, Kiệt ngồi im lặng một mình, ngày kia Hòa Thân cầm tay ông mà đùa rằng: “Sao mà mềm mại vậy?” Kiệt nghiêm sắc mặt, đáp rằng: “Tay Vương Kiệt tuy đẹp, nhưng không cần tiền đâu!” khiến Hòa Thân đỏ mặt.[1]

Năm Gia Khánh đầu tiên (1796), Kiệt lấy cớ đau chân, xin miễn nhiệm ở Quân cơ xứ, thư phòng, kể cả việc quản lý bộ; được chấp thuận. Triều đình có việc lớn, Hoàng đế ắt hỏi han Kiệt, mà ông cũng được tùy thời vào gặp. Bấy giờ khởi nghĩa Bạch Liên giáo đang hừng hực, Kiệt dâng sớ, chủ trương thi hành chánh sách mềm mỏng, ưu đãi nghĩa quân về hàng, đồng thời nhận định lưu dân khởi nghĩa là do quan lại địa phương tàn bạo, bức hiếp dân lành gây ra; ngoài ra ông còn đề nghị tổ chức hương dũng và tập hợp lưu dân để biên chế thành quân đội chính quy. Sớ dâng lên, được Càn Long Thái Thượng hoàng chấp nhận.[1]

Năm thứ 2 (1797), Kiệt lại được triệu vào Quân cơ xứ, theo xa giá đi Nhiệt Hà. Ít lâu sau, Kiệt lại bị đau chân, được nhận chiếu không cần ở lại Quân cơ xứ, có thể quay về kinh thành trước Thái Thượng hoàng. Mùa thu năm thứ 3 (1798), quan quân bắt được thủ lãnh Bạch Liên giáo là Vương Tam Hòe, triều đình phong thưởng đại thần của Quân cơ xứ, Càn Long Thái Thượng hoàng cho rằng Kiệt không còn ở Quân cơ xứ, nhưng trước đó có công bày mưu đặt kế.[1]